Nấm da là căn bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc khoảng trên 27%. Đây là bệnh có thể lây truyền từ người sang người, nếu trong gia đình có người bị bệnh thì khả năng lây là rất cao nếu dùng chung đồ, ngủ chung hoặc không chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân.
Bệnh nấm da là gì?
Bệnh nấm da là một trong những bệnh nhiễm trùng da hay gặp, vi nấm gây nhiễm trùng ở mô keratin hóa như da, lông, tóc, móng,… Căn nguyên gây bệnh do các vi nấm ưa keratin gây ra, gây bệnh trên cả con người và động vật, tuy nhiên rất hiếm khi gây nhiễm bệnh tại các tạng. Các vị trí nhiễm trùng hay gặp là các vùng da kín, nhiều mồ hôi như nách, bẹn, thắt lưng, kẽ chân, tóc, móng,… Mặc dù ít khi gây nguy hiểm tính mạng người bệnh, tuy nhiên nhiễm nấm da thường gây bệnh trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh nấm da
Yếu tố đầu tiên cần phải nói đến là khí hậu tại Việt Nam. Nước ta thuộc khu vực nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện thích hợp cho các loại nấm da lây lan và phát triển.
Nấm là sinh vật bậc thấp không có chất diệp lục do đó chúng không thể tự tổng hợp chất hữu cơ như những loại thực vật thông thường, chính vì thế nó cần ký sinh vào vật chủ để sống sót. Vật chủ có thể là bất kỳ nguồn nào xung quanh chúng ta như: môi trường (không khí, cây cối, đất cát,..), động vật (chó, mèo,…) và có thể là cơ thể người. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao khiến nó trở thành căn bệnh phổ biến.
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt không khoa học cũng tạo điều kiện cho nấm da phát triển, cụ thể như:
– Nấm da phát triển thuận lợi trong môi trường hơi kiềm có độ pH từ 7 đến 7,2.
– Vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến bị nấm vùng kín, những nơi hay ra mồ hôi như kẽ tay kẽ chân, sử dụng xà phòng không đúng cách.
– Mồ hôi nhiều, ẩm ướt, mặc quần áo chật chội cùng với nhiệt độ từ 27 – 35 độ C cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển.
– Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc phụ nữ bị rối loạn nội tiết.
Các triệu chứng thường gặp
Bệnh nấm da được chia làm nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà nấm gây bệnh phát triển. Ví dụ như: nấm móng, nấm da đầu, nấm chân, tay, nấm bẹn,… Mỗi loại bệnh nấm da đều sẽ có những đặc trưng riêng biệt:
- Ngứa, đau nhức, tấy đỏ hoặc phát ban ở vùng da bị nhiễm nấm.
- Móng tay, móng chân bị đổi màu, dày hơn bình thường hoặc nứt, kẽ chân, kẽ tay bong tróc, lở loét, đau rát.
- Đau đớn khi ăn, mất vị giác hoặc có mảng trắng ở miệng hoặc cổ họng.
- Xuất hiện khối u không đau dưới bề mặt da.
- Da đầu bong tróc, tóc dễ gãy rụng, ngứa, xuất hiện các mảng trắng lớn, dễ bong tróc, rất mất thẩm mỹ.
- Da xuất hiện các mảng vảy đỏ, thường có hình tròn hoặc bầu dục.
- Trong thời gian xuất hiện mẩn đỏ và vảy da, bệnh có thể lây truyền cho những người khác. Việc cào hoặc gãi ngứa có thể gây ra tình trạng sưng, chảy nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh nấm da
Cần áp dụng các biện pháp bảo vệ da, hạn chế làm da bị thương tổn, có vết xước; thường xuyên vệ sinh da, tránh ra nhiều mồ hôi, tắm giặt thường xuyên, giữ khô và sạch sẽ các vùng da kín và nhiều nếp gấp; vệ sinh da đầu, tóc thường xuyên, tránh bụi bẩn, tránh ẩm ướt, sử dụng dầu gội thích hợp,..; vệ sinh móng tay, móng chân, cắt tỉa gọn gàng; lựa chọn quần áo và giày dép phù hợp;…
Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh ở những nơi chật hẹp, ẩm ướt; không dùng chung đồ dùng và vật dụng cá nhân; người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách, xử lý chất thải đúng quy định, các đồ dùng vật dụng của người bệnh cần vệ sinh đúng, …
Khi bị nấm da bạn cần làm gì?
Mặc dù không gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng các bệnh nấm da thường tồn tại dai dẳng, dễ tái phát, gây khó khăn trong điều trị. Mặt khác, những lần mắc bệnh nấm da sau thường sẽ nặng, kéo dài và khó dứt hơn so với lần trước đó. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng bất thường trên da, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ các kết quả đó, bác sĩ chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng thuốc. Không nên tự mua thuốc điều trị nấm vì có thể làm bệnh nặng thêm.
Các biện pháp chẩn đoán Bệnh nấm da
Với những bệnh nấm da thông thường, các bác sĩ có thể chẩn đoán dễ dàng thông qua quan sát bằng mắt thường và hỏi về các triệu chứng mà người bệnh đang gặp.
Ngoài ra, chẩn đoán nấm da còn được xác định bằng cách kiểm tra các mảng vảy, mảng da bị nấm dưới kính hiển vi. Hoặc sử dụng phương pháp xét nghiệm nuôi cấy nấm để xác định loại nấm cụ thể, giúp điều trị bệnh một cách chính xác và hiệu quả nhất. Nấm được nuôi cấy có thể lấy từ mẫu nhỏ da hoặc chất dịch có trong các vết phát ban, mụn nước,…
Đối với trường hợp nhiễm trùng nấm nặng, người bệnh cần xét nghiệm máu để được chẩn đoán chính xác nhất.
Hy vọng, thông qua bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích liên quan đến bệnh nấm da hiện nay. Vì tính chất bệnh dễ lây lan, nên cần chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến bệnh viện để chẩn đoán, điều trị để tránh bệnh lây lan đến những vùng da lành làm kéo dài thời gian hồi phục.
◾ Hệ thống Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Hoa Kỳ
CS1 – TP. HÀ NỘI: 60 Văn Cao – Ba Đình/ Hotline: 0346.697.888
CS2 – TP. HỒ CHÍ MINH: 652 Nguyễn Đình Chiểu – P3 – Q.3/ Hotline: 0899.303.652
CS3 – TP. HỒ CHÍ MINH: 230 Cao Thắng – Phường 12 – Q.10/ Hotline: 0926.859.668
CS 4 – TP. BẮC NINH: 72 Nguyễn Cao – Ninh Xá/ Hotline: 0865.726.775
◾ Chăm sóc khách hàng: 0964.412.999
◾ Facebook: Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế Hoa Kỳ