Cách phân biệt tóc rụng sinh lý và tóc rụng bệnh lý

Phân biệt rụng tóc sinh lý và bệnh lý giúp bạn có cách chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách. Đừng bỏ lỡ bài viết sau.

Tóc rụng là hiện tượng mà ai cũng đã gặp phải. Nó thường do hai nguyên nhân chính là sinh lý bình thường của cơ thể hoặc là bệnh lý. Rất ít người có thể phân biệt được hai nguyên nhân này. Có những người khi tóc rụng do sinh lý thì lo lắng quá mức, khi tóc rụng do một nguyên nhân bệnh lý nào đấy lại không để tâm khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc phân biệt tóc rụng do nguyên nhân nào rất quan trọng trong đời sống. Vì vậy mọi người hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết cách phân biệt hai nguyên nhân này nhé.

Thế nào là rụng tóc do sinh lý?

Rụng tóc do sinh lý là hiện tượng tóc rụng theo vòng đời: đầu tiên mầm tóc sẽ được hình thành, sau đó mọc lên rồi phát triển, nó sẽ dài ra theo thời gian rồi dần dần già yếu và cuối cùng là rụng đi. Tóc sau khi rụng đi ngay lập tức sẽ có lớp tóc mới được hình thành để thay thế lớp tóc cũ.

Tóc luôn rụng đi để mọc thêm tóc mới.

Theo thống kê, mỗi ngày, một sợi tóc sẽ dài thêm khoảng 0.35mm, và khoảng 1cm/1 tháng. Đối với người bình thường, trung bình số tóc rụng đi mỗi ngày sẽ dao động trong khoảng từ 30 đến 100 sợi, và cũng chừng đó sợi tóc sẽ được mọc thêm. Qua đó đã cho thấy, số tóc rụng đi mỗi ngày sẽ có tương ứng số tóc mọc lên để thay thế nó. Vì vậy, sẽ chẳng có gì phải lo lắng nếu bạn thấy ngày hôm nay đã có vài chục sợi tóc rụng cả, vì đã có những sợi tóc khác mọc lên để thay thế cho số đó rồi.

Một sợi tóc có một chu kỳ sống kéo dài từ 2 đến 6 năm (thời gian sống một chu kỳ của tóc nữ giới sẽ dài hơn ở nam giới). Theo tính toán thống kê, tại một thời điểm, trên mái tóc của một người khỏe mạnh sẽ có tới 85% đến 95% tóc ở giai đoạn anagen (giai đoạn mọc), 1% đến 2% ở giai đoạn catagen (giai đoạn ngưng) và 5% đến 10% tóc ở giai đoạn telogen (giai đoạn nghỉ, chờ rụng). Vì quá trình rụng và mọc tóc diễn ra đồng thời nên lượng tóc hầu như không thay đổi trong trường hợp sinh lý bình thường.

Thế nào là rụng tóc do bệnh lý?

Tóc rụng bệnh lý bắt đầu từ sự suy yếu của các tế bào mầm tóc, do các nguyên nhân như căng thẳng, mệt mỏi, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, rối loạn thần kinh nội tiết (có sự khác nhau ở 2 giới), hormone biến đổi, thiếu protein, nấm da đầu, suy giảm tuyến giáp,.. Khi bị suy yếu tế bào mầm, tóc không thể phát triển và hoạt động một cách bình thường, dẫn tới việc tóc dễ rụng, sợi mảnh hơn, và mọc chậm.

Bên cạnh đó, các bệnh như sốt xuất huyết, sốt virus, viêm phế quản, viêm phổi kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tóc rụng nhiều.

Tuy nhiên, các nguyên nhân này không khiến tóc rụng ngay lập tức mà xảy ra ở 1 – 2 tháng sau khi mắc phải.

Ngoài ra, khi mắc phải những bệnh hiểm nghèo ví dụ như ung thư cần phải xạ trị, hay lupus ban đỏ, giang mai,… cũng là những nguyên nhân chính khiến tóc rụng. Dù tóc rụng do bất kì nguyên nhân bệnh lý nào cũng cần được phát hiện và chữa trị sớm để đảm bảo sức khỏe.

Nếu mọi người cảm thấy tóc rụng nhiều bất thường thì phải theo dõi xem mình có đang rơi vào một trong những trường hợp bệnh lý trên hay không, và phải kết hợp với việc theo dõi tóc hàng ngày như:

  • Tóc rụng không phải do nguyên nhân sinh lý, rụng không rõ nguyên nhân và liên tục trong một thời gian dài (quá 100 sợi mỗi ngày). Dấu hiệu giúp mọi người dễ nhận ra nhất là khi gội đầu hoặc chải tóc thì lượng tóc rụng sẽ từng nhúm một. Hoặc khi đưa tay vuốt thì tóc sẽ rụng nhiều và vướng vào kẽ tay.
  • Tóc rụng nhiều nhưng không có tóc mọc lại. Mọi người sẽ có cảm giác tóc không hề mọc lại dù nó rụng nhiều hay ít, bằng chứng rõ ràng nhất là khi sờ lên tóc, mọi người sẽ cảm thấy tóc ngày càng mỏng, số lượng cũng ít đi. Đặc biệt, khi nhìn lên da đầu sẽ thấy rất ít tóc con, thậm chí có những chỗ tóc rất thưa, nhìn thấy những mảng da đầu lớn.
  • Tóc rụng thành từng mảng. Tóc rất khó để mọc lại và thường rụng ở cùng một vị trí. Nếu gặp nhiều tình trạng này một cách thường xuyên, da đầu bạn sẽ bị hở trắng, lộ ra ở vị trí không có tóc mọc.
Rụng tóc từng mảng.
  • Tóc con mọc ít, thưa và chậm, nhiều lúc còn mảnh và xoăn tít. Việc này chứng tỏ bạn đang không thể nuôi dưỡng sợi tóc khỏe mạnh vì cơ thể bạn thiếu dưỡng chất. Để khắc phục tình trạng này bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ để cần biết bổ sung những dưỡng chất gì cho tóc.
  • Tóc rụng kèm theo một vài triệu chứng như ngứa ngáy, xuất hiện vết hồng ban hay bong tróc. Đây có thể là do nấm da đầu gây ra. Chúng ta cần đi khám chuyên khoa da liễu ngay để ngăn chặn, chấm dứt sớm tình trạng này.

Trên đây là cách phân biệt tóc rụng do sinh lý và bệnh lý, và ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống hàng ngày. Hy vọng thông qua qua bài viết này có thể giúp ích cho mọi người trong công cuộc chăm sóc mái tóc chắc khỏe của bản thân mình.

Hệ thống Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Hoa Kỳ 

CS1 – TP. HÀ NỘI: 60 Văn Cao – Ba Đình/ Hotline: 0346.697.888 

CS2 – TP. HỒ CHÍ MINH: 652 Nguyễn Đình Chiểu – P3 – Q.3/ Hotline: 0899.303.652

CS3 – TP. BẮC NINH: 72 Nguyễn Cao – Ninh Xá/ Hotline: 0865.726.775

CS4 – PHÚ THỌ: 2-3 Ngọc Loan – TP. Việt Trì/ Hotline: 0942.762.888

Chăm sóc khách hàng: 0942.762.888

Facebook: Viện Thẩm Mỹ Quốc Tế Hoa Kỳ

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *